Mật ong là một chất làm ngọt tự nhiên, có thể có tác động tích cực đến chỉ số đường huyết của bạn. Nhưng giống với bất kỳ loại chất tạo ngọt nào khác, việc sử dụng điều độ là chìa khóa quan trọng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn.
Những người sống chung với bệnh tiểu đường cần phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ lượng carbohydrate và mức đường huyết của mình. Điều này không có nghĩa là họ phải tránh đồ ngọt hoàn toàn. Nếu sử dụng đúng chừng mực, mật ong không chỉ là một thực phẩm an toàn, mà nó còn có tính chất chống viêm, đồng thời giúp làm giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường. Nếu bạn ăn mật ong, hãy đảm bảo rằng đó là mật ong hữu cơ, hoặc mật ong nguyên chất không chứa thêm đường.
1. Mật ong là gì?
Mật ong là một loại chất lỏng đặc sánh, có màu vàng do ong mật và các loài côn trùng khác, như ong vò vẽ hoặc ong bắp cày tạo ra. Mật ong đến từ mật của các loài hoa, được ong thu thập và lưu trữ trong dạ dày của chúng cho đến khi trở lại tổ.
Hầu hết mật hoa đều được tạo thành từ đường sucrose, nước và các chất khác, trong đó có khoảng 80% carbohydrate và 20% nước. Ong sẽ sản xuất ra mật ong bằng cách ăn và tiết ra mật hoa nhiều lần, đồng thời loại bỏ nước ra khỏi mật hoa. Sau đó, ong sẽ dự trữ mật ong trong tổ của chúng để sử dụng làm nguồn năng lượng trong mùa đông khi việc tìm kiếm thức ăn trở nên khó khăn hơn.
Mật ong cũng được coi là một chất tạo ngọt, vì vậy bạn có thể thêm mật ong vào một số loại thực phẩm để gia tăng vị ngọt cho chúng. Mặc dù là một chất làm ngọt tự nhiên, nhưng mật ong có nhiều carbohydrate và calo hơn một chút so với đường ăn thông thường. Những loại carbohydrate có trong mật ong chủ yếu là từ những loại đường đơn, bao gồm glucose và fructose.
Thông thường, trong một muỗng canh mật ong sẽ có chứa:
- 64 calo
- 17 gam carbohydrate
- 17 gam đường
- 0,06 gam protein
- 0,04 gam chất xơ
Ngoài ra, mật ong cũng chứa một số loại vitamin và khoáng chất, bao gồm sắt, vitamin C, folate, magie, kali và canxi. Nó cũng là một chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp ngăn ngừa và làm chậm quá trình tổn thương tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, số lượng vitamin và khoáng chất có trong mật ong là không đáng kể, do đó bạn không nên coi mật ong là nguồn cung cấp chính những chất dinh dưỡng này.
Mật ong là một chất làm ngọt tự nhiên, có thể có tác động tích cực đến chỉ số đường huyết của bạn
2. Mật ong có giống với các chất tạo ngọt khác không?
Mật ong khác so với các loại đường trắng hay chất tạo ngọt khác, vì đường thường không có bất kỳ vitamin hay khoáng chất nào. Bên cạnh đó, chỉ số đường huyết (GI – là chỉ số giúp đo lường mức độ nhanh chóng của một carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu) của mật ong cũng thấp hơn so với đường. Chỉ số GI của mật ong là 58 và của đường là 60. Điều này đã cho thấy, mặc dù mật ong (giống như tất cả các loại carbohydrate) cũng làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng, nhưng nó không tăng nhanh như đường. Tuy nhiên, sự khác biệt này là không đáng kể.
Do đó, nếu sử dụng mật ong để thay thế đường, nó sẽ không tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường. Bởi chúng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn theo những cách tương tự mà đường gây ra. Nếu bạn chọn ăn mật ong, hãy đảm bảo sử dụng chúng theo đúng liều lượng cho phép để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chúng đến lượng đường huyết và khả năng sử dụng insulin của cơ thể.
3. Các dạng mật ong phổ biến
Mật ong có thể ở dạng thô hoặc đã qua chế biến. Đối với mật ong dạng thô, hay còn được gọi là mật ong chưa lọc. Dạng mật ong này được chiết xuất từ tổ ong, sau đó được lọc để loại bỏ các tạp chất.
Mặt khác, đối với loại mật ong đã qua chế biến sẽ phải trải qua một quá trình lọc. Trong đó, mật ong sẽ được thanh trùng (tiếp xúc với nhiệt độ cao) để phá hủy nấm men và giúp kéo dài thời hạn sử dụng. Mật ong đã qua xử lý thường có kết cấu mịn hơn, nhưng qua quá trình lọc và thanh trùng đã loại bỏ đi một số chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa của nó.
Mật ong có thể ở dạng thô hoặc đã qua chế biến
4. Mật ong ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào?
Vì mật ong là một loại đường tự nhiên, đồng thời cũng là một loại carbohydrate, nên nó chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn theo một cách tự nhiên nào đó. Tuy nhiên, khi so sánh với đường ăn, mức độ ảnh hưởng đến lượng đường huyết của mật ong là thấp hơn.
Trong một cuộc nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của mật ong và đường ăn đối với lượng đường trong máu ở những người bình thường và những bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 đã cho thấy, ở nhóm người mắc bệnh tiểu đường, mật ong đã gây ra sự gia tăng lượng đường trong máu ban đầu khoảng 30 phút sau khi tiêu thụ. Sau đó mức đường huyết của những người tham gia đã giảm và duy trì ở mức thấp hơn trong vòng hai giờ. Điều này đã chứng tỏ rằng mật ong không giống như đường ăn, nó có thể làm tăng insulin, một hormone quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu.
5. Mật ong có thể ngăn ngừa được bệnh tiểu đường hay không?
Mặc dù mật ong có thể làm tăng mức insulin và giúp những người mắc bệnh tiểu đường kiểm soát được lượng đường trong máu của họ, nhưng dường như không có bất kỳ nghiên cứu kết luận nào ủng hộ mật ong là một yếu tố có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số mối liên hệ giữa mật ong và sự hạ chỉ số đường huyết. Trong một cuộc nghiên cứu trên 50 người mắc bệnh tiểu đường loại 1 và 30 người không mắc căn bệnh này đã cho thấy, so với đường, mật ong có tác dụng hạ đường huyết đối với tất cả những người tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, nó cũng làm tăng mức C-peptide của họ, một chất được giải phóng vào máu khi cơ thể sản xuất ra insulin. Mức C-peptide bình thường có nghĩa là cơ thể đang tạo ra đủ insulin.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định xem liệu mật ong có thể được sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường hay không.
Mặt khác, trong mật ong có chứa chất chống viêm và chất chống oxy hóa. Đây là những loại chất rất quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường, vì họ thường có mức độ viêm nhiễm cao hơn trong cơ thể. Nhưng thực tế, có nhiều loại thực phẩm khác cũng cung cấp chất chống oxy hóa mà không làm tăng lượng đường trong máu của bạn. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn các loại thực phẩm khác ngoài mật ong để đáp ứng tốt nhất cho tình trạng sức khỏe của mình.
Không có bất kỳ nghiên cứu kết luận nào ủng hộ mật ong là một yếu tố có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường
6. Ăn mật ong có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không?
Bạn nên nhớ rằng mật ong có độ ngọt hơn cả đường. Vì vậy, nếu bạn sử dụng mật ong để thay thế cho đường thì bạn chỉ cần một lượng nhỏ mật ong thôi là đủ.
Vì mật ong có thể làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, do đó bạn nên tránh sử dụng chúng và các chất tạo ngọt khác cho đến khi bệnh tiểu đường của bạn được kiểm soát.
Tốt nhất, mật ong nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Bạn nên trao đổi với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng mật ong như một chất làm ngọt bổ sung.
Nếu bệnh tiểu đường của bạn đã được kiểm soát tốt, và bạn muốn thêm mật ong vào chế độ ăn uống của mình, hãy chọn loại mật ong nguyên chất, hữu cơ hoặc mật ong tự nhiên. Những loại này thường an toàn hơn cho người bị tiểu đường, vì chúng hoàn toàn tự nhiên không có thêm đường.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương không nên tiêu thụ mật ong thô, vì nó không được tiệt trùng. Điều này có thể gây ra một số vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.
Nếu bạn mua mật ong đã qua chế biến từ cửa hàng tạp hóa, nó cũng có thể chứa đường hoặc xi-rô. Chất tạo ngọt được thêm vào có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau đến lượng đường trong máu của bạn. Do đó, khi chọn mua mật ong, bạn nên tìm hiểu những địa chỉ cung cấp mật ong hoàn toàn tự nhiên để hạn chế những ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe.